A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số vấn đề cần lưu ý đối với giáo viên dạy Công nghệ GD 1

Đặt vấn đề: - Tại sao cần thực hiện dạy Tiếng Viêt lớp 1 theo chương trình CGD? - Vai trò môn Tiếng Việt trong chương trình tiểu học. - Tầm quan trọng của lớp 1, cấp 1 trong giáo dục và hình thành nhân cách. - Vai trò của giáo viên lớp 1 và những yêu cầu, lưu ý. GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - tác giải bộ sách TV1. CGD nói chuyện chuyên đề tại Hà Tĩnh 1. Tiếp xúc ban đầu với học sinh lớp...

Đặt vấn đề:

 - Tại sao cần thực hiện dạy Tiếng Viêt lớp 1 theo chương trình CGD?

 - Vai trò môn Tiếng Việt trong chương trình tiểu học.

 - Tầm quan trọng của lớp 1, cấp 1 trong giáo dục và hình thành nhân cách.

 - Vai trò của giáo viên lớp 1 và những yêu cầu, lưu ý.

img_1059_500_500
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - tác giải bộ sách TV1. CGD nói chuyện chuyên đề tại Hà Tĩnh

1. Tiếp xúc ban đầu với học sinh lớp 1:

Việc tiếp xúc ban đầu giữa giáo viên và học sinh lớp 1 là một dấu mốc hết sức quan trọng để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi học sinh, bởi vậy mọi động thái ứng xử, mọi ngôn ngữ giao tiếp (lời nói, ánh mắt, nụ cười, cầm tay, xoa đầu…) của giáo viên đều phải hết sức mô phạm để lại trong học sinh dấu ấn về sự  dịu dàng, nhẹ nhàng, gần gũi, bao dung, sẵn sàng xẻ chia… Bởi vậy, trong buổi đầu đón học sinh vào lớp 1 (từ phụ huynh) giáo viên càng đẹp được hơn càng tốt, càng nhẹ nhàng, tự nhiên, vui tươi hơn được càng hay! Cán bộ quản lí các nhà trường tiểu học cần đặc biệt coi trọng lễ khai giảng và ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường” để tất cả học sinh và phụ huynh lớp 1 thấy được niềm hạnh phúc, sự tôn vinh, tầm quan trọng… và biết bao kì vọng trông chờ khi một học sinh được vào lớp 1.

2. Hình thành các kĩ năng và động hình học tập trong chương trình tuần 0:

 Đến với những tiết học đầu tiên tất cả đều mới mẻ, lạ lẫm đối với học sinh lớp 1, cần biết rằng mọi thao tác, mọi tư thế, mọi cách nói năng, giao tiếp (nhận việc, trả lời)… được hình thành trong giai đoạn này là hết sức quan trọng vì nó rất bền vững và sẽ theo suốt các em trong cả cuộc đời học tập, công tác. Những thao tác, những thói quen, những tư thế, tác phong đúng, đẹp sẽ rất có lợi cho lâu dài và ngược lại. Bởi thế rèn luyện các thao tác, động hình, tư thế … trong tuần 0 cần phải hết sức chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát (không sai, không thừa, nhẹ nhàng nhưng không khoan nhượng).

Để cho các buổi học đầu tiên được diễn ra nhẹ nhàng, hấp dẫn mà hiệu quả, thực sự làm cho học sinh lớp 1 thấy “Đi học là hạnh phúc”, “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui” đòi hỏi giáo viên lớp 1 phải đa dạng hóa việc tổ chức dạy học, đặc biệt cần coi trọng việc tổ chức các trò chơi để củng cố kĩ năng. Giáo viên không chỉ cần đọc kĩ cách tổ chức các trò chơi trong sách Thiết kế mà còn phải tìm hiểu nhiều trò chơi khác, cải tiến luật chơi, cách chơi để học học sinh thường xuyên thấy mới lạ, hứng thú (có thể vào mạng, đọc cuốn 100 trò chơi vận động, sưu tầm các trò chơi dân gian). Đã là giáo viên tiểu học thì phải biết cách tiếp cận học sinh, tổ chức trò chơi...

3. Giáo viên chỉ giao việc 01 lần; câu lệnh hoặc kí hiệu phải rõ ràng, đảm bảo 100% học sinh nghe và hiểu. Khi giao việc và làm mẫu giáo viên phải đứng ở vị trí thích hợp để tất cả học sinh đều nghe và quan sát được ( trung tâm trước bục giảng). Khi giao việc xong giáo viên phải đi xuống lớp để kiểm soát việc làm của tất cả học sinh, giúp đỡ, hướng dẫn những học sinh yếu; phải đảm bảo 100% học sinh hoàn thành 1 việc mới giao việc khác. Nhận xét, đánh giá phải trên cơ sở động viên, khích lệ học sinh để lấy việc phát huy ưu điểm mà khắc phục nhược điểm qua 4 mức độ: làm được, làm đúng, làm đẹp, làm nhanh.

Phải thường xuyên có ý thức để ý theo dõi học sinh để biết được các nhu cầu, nguyện vọng…ở giai đoạn đầu nhiều học sinh không dám trình bày với bạn, với cô các nhu cầu cần sự giúp đỡ cho phép (cả về sức khỏe và học tập). Những thói quen về vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cũng cần được hình thành ngay từ những buổi học đầu tiên này.

4. Liên hệ chặt chẽ với phụ huynh, tuyên truyền trong phụ huynh và các lực lượng xã hội làm cho phụ huynh vững tin vào CGD, không nóng vội. Yêu cầu phụ huynh tuyệt đối không tự dạy đọc viết ở nhà khi không có sự kiểm soát hoặc yêu cầu của giáo viên.

5. Để dạy tốt lớp 1 CGD không có cách nào hơn là phải thuộc Thiết kế và thành thạo các thao tác, bởi vậy từ nay đến khi nhận lớp, mỗi giáo viên cần phải tranh thủ đọc thiết kế và tập dạy trong nhóm; tập theo từng loại mẫu, quan trọng nhất là phải nhớ đúng quy trình của các mẫu. Quá trình thực hiện nếu thấy có vướng mắc cần hội ý tổ hoặc hỏi ngay cán bộ cốt cán; nếu chưa kịp hỏi, hoặc vẫn chưa hiểu thì trước mắt cứ làm theo thiết kế!

Việc phản ánh chất lượng học tập của học sinh hay những khó khăn vướng mắc đối với cán bộ quản lí các cấp hoặc giáo viên cốt cán cần hết sức đúng sự thật, không dấu dốt, không chạy theo thành tích vì bất kì một lí do nào. Công nghệ giáo dục không cho phép bất kì một sự dối lừa nào và không có sự dối lừa nào không được phát hiện khi kiểm chứng các sản phẩm công nghệ!

Tính chất tuyến tính của chương trình Công nghệ giáo dục là hết sức khắt khe nên nếu những bài đầu, việc đầu mà chưa làm được thì tuyệt đối chưa làm việc tiếp theo. Cũng vì thế việc duy trì sĩ số, động viên học sinh đi học chuyên cần, đúng giờ là hết sức quan trọng, giáo viên rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh trong vấn đề này. Các nhà trường cần phát động và tạo mọi điều kiện cho học sinh khối 1 được học bán trú

            (Cần lưu ý các đối tượng học sinh khuyết tật).

6. Cách tiếp cận của chương trình Tiếng Việt 1 CGD là đi từ Âm đến Chữ, bởi vậy trong quá trình sử dụng các vật liệu đòi hỏi giáo viên và học sinh phải phát âm thật chuẩn mực, rõ ràng. Cố gắng khắc phục các lỗi phát âm địa phương để đi dần từ “chính âm” đến “chính tả”.

7. Dạy tiểu học nói chung và đặc biệt là dạy lớp 1 rất cần phải rèn luyện chữ viết, nhất là chữ viết bảng cần viết ítđủ nhưng đúng và đẹp (chú ý cả về kĩ thuật viết các nét chữ, kích thước, khoảng cách… và luật chính tả trong khi viết, trình bày bảng và cả trong chấm chữa, ghi lời phê của cô giáo).

8. Một số lưu ý khác:

- Tư thế ngồi học, ngồi viết: đảm bảo sự thoải mái, hợp vệ sinh (chú ý các yếu tố liên quan).

- Tư thê đứng phát biểu: đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào cô giáo hoặc người cần trả lời (tuyệt đối không vòng tay trước ngực khi trả lời).

- Nói, hát: Phát âm phải to, rõ ràng, dõng dạc, dứt khoát.

- Khoảng cách và kĩ thuật cầm bút: Cầm bút cao từ 2 – 2,5 cm; cầm bút bằng 3 ngón tay; dứt khoát phải kiểm soát được kĩ thuật và khoảng cách cầm bút của học sinh trước và trong khi các em viết chữ (điều này cần có thủ thuật). Để học sinh có thói quen cầm bút đúng khoảng cách và viết nhẹ tay, giai đoạn đầu dứt khoát phải yêu cầu học sinh sử dụng bút chì do chính cô giáo gọt.

- Đồ dùng học tập của học sinh: Sách giáo khoa, vở Em tập viết, bảng con, phấn viết, con nhựa, bút chì, vòng, que ngắn, que dài, bộ chữ rời (đồ dùng cần gọn, đảm bảo phù hợp kích cỡ  và vệ sinh). Bảng con học sinh cần thống nhất, đồng bộ trong các lớp để giáo viên dễ hướng dẫn vẽ mô hình và viết chữ đúng kĩ thuât, tọa độ.

- Đồ dùng dạy TV 1 của giáo viên: Thước, bảng con, phấn viết, que chỉ, nam châm, vòng, que ngắn, que dài, gọt bút chì, bộ chữ học vần, bộ chữ mẫu tập viết… ngoài ra cần có một số đồ dùng của học sinh dự phòng (các loại đồ dùng học sinh hay hỏng, hay quên như bút chì, bảng con, phấn viết, con nhưa…). Bảng lớp của khối 1 cần mua sắm loại bảng chông lóa có kẻ sẵn dòng ô li để giáo viên tiết kiệm thời gian và thuận lợi trong các thao tác hướng dẫn viết chính tả và trình bày bảng.

Tóm lại, muốn giáo dục một con người, muốn thay đổi một thế hệ, muốn cải tổ một nền giáo dục phải bắt đầu từ lớp 1, cấp 1; phải thực sự coi “Lớp 1 là móng, cấp 1 là nền”; đầu tư cho lớp 1, cho giáo dục tiểu học là cách đầu tư khôn ngoan nhất và có lãi nhất! Giáo viên lớp 1 là người mang trên mình sứ mạng quan trọng nhất trong việc hình thành các động hình kĩ năng học tập, hành vi, ngôn ngữ giao tiếp, thói quen sinh hoạt… và tất cả những gì khởi đầu cho việc hình thành nhân cách một con người! Các bạn là người đầu tiên mang  hạnh phúc đến cho mỗi con người, mỗi gia đình! Chúc các bạn thành công!

 

                                                              Dương Văn Lâm

                                 (Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)


Tác giả: Trần Mỹ Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Giáo dục
Liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Tháng 04 : 702